Đầu tư mạnh vào cở sở hạ tầng có lẽ là một giải pháp khả thi để giải phóng tồn kho cho bất động sản. Nhiều chuyên gia đã nhận định như vậy, và thực tế đã có không ít minh chứng cho nhận định này.
Ít đây không lâu, khi trao đổi với NDH, ông Trần Như Trung, một trong những chuyên gia bất động sản có tiếng tại Hà Nội cho rằng, căn bệnh thị trường bất động sản hiện nay không thể chữa trong nay mai, mà phải cần vị thuốc thời gian. Nói như vậy, không có nghĩa ông Trung phủ nhận những tác động tích cực từ chính sách và nỗ lực của chủ đầu tư.
Ông Trung cũng đồng thời cho rằng, một phương án nữa có thể giải phóng được lượng tồn kho lớn thì cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Và tất nhiên, nếu có thể, Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhờ đó chủ đầu tư có thêm lực để bán được sản phẩm. Tuy nhiên, với số lượng dự án ế ẩm khủng, tiền đổ vào đây cần rất rất nhiều.
GS.Đặng Hùng Võ cũng cho hay, thị trường bất động sản muốn phục hồi phải là sự kết hợp của hàng loạt các yếu tố, và tất nhiên cần tiền. Ông chia sẻ, cho tới thời điểm này chưa tìm được giải pháp đủ mạnh nào để giải phóng hàng tồn kho. Thị trường buộc phải chấp nhận điều này cho đến khi nó tự phục hồi, còn chủ đầu tư phải có phương án tự "vượt cạn".
Nhận định của 2 chuyên gia trên và một số chuyên gia khác hé lộ rằng, nếu có vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thị trường sẽ phần nào ấm lên. Hạ tầng gần như là máu thịt của bất động sản. Ở đâu có hạ tầng tốt thì ở đó bất động sản cũng hưng thịnh theo.
Thực tế cũng đã minh chứng cho những nhận định trên. Tại Tp.HCM, nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay rót vốn khủng vào các dự án bất động sản ở các khu vực hứa hẹn có hạ tầng tốt như các tuyến Metro, Trung tâm hành chính mới Thủ Thiêm, cầu vượt, đường cao tốc liên vùng, kết nối trục Đông - Tây TP HCM...Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn thương Tín Tân Thắng, Chow Chee Fan cho biết, việc phát triển hạ tầng trên đã ít nhiều tác động tích cực đến các dự án trong toàn khu vực.
Tại Hà Nội, từ trước đến nay, thị trường chứng kiến không ít "cơn sốt" BĐS ăn theo quy hoạch, cơ sở hạ tầng giao thông. Điển hình như các khu An Khánh, Hoài Đức quanh trục Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32, đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài…
Với sự hình thành, hoàn thiện của cầu Nhật Tân cùng các trục đường ngang kết nối đã khiến cho giá nhà đất khu vực xung quanh, nhất là quận Tây Hồ rục rịch tăng nhiệt trở lại, khoảng 3-10% so với năm 2013.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, hầu như bất động sản miễn nhiễm với việc tăng giá, nếu có thì chỉ tăng ở tỷ lệ không đáng kể. Tín hiệu tốt duy nhất là giao dịch nhiều hơn. Thời điểm này, biên độ tăng giá của bất động sản nhờ hưởng lợi từ thông tin hạ tầng không còn nữa do đã tăng quá nhiều ở hai giai đoạn trước.
Huyền Thương - NDH
No comments:
Post a Comment